Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Phú Thọ, Bình Định và Quảng Trị: Đặt tên xã mới sau sắp xếp

Thứ hai - 21/04/2025 10:35
Các tỉnh Phú Thọ, Bình Định và Quảng Trị đang khẩn trương tiến hành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và đặt tên mới cho các xã đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, khách quan.

Thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, ngày 21/4, các địa phương Phú Thọ, Bình Định tổ chức họp về Đề án sắp xếp các địa phương và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Phú Thọ: Đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để thông qua Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025.

Cụ thể, Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình nêu rõ việc thành lập tỉnh Phú Thọ là đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của hai tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào địa giới hành chính của tỉnh Phú Thọ.

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 9.361,381km2, đạt 117,02% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 4.022.611 người, đạt 446,96% so với tiêu chuẩn. Đơn vị hành chính trực thuộc có 32 đơn vị hành chính cấp huyện (4 thành phố, 1 thị xã và 27 huyện); 479 đơn vị hành chính cấp xã (42 phường, 40 thị trấn và 397 xã). Số lượng đơn vị hành chính xã, phường dự kiến sau sáp nhập là 148 (133 xã và 15 phường).

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ năm 2025, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 207 đơn vị hành chính cấp xã (180 xã, 15 phường, 12 thị trấn). Về phương án sắp xếp, tỉnh giữ nguyên hiện trạng 2 xã đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Thu Cúc (huyện Tân Sơn) và Trung Sơn (huyện Yên Lập); thực hiện sắp xếp 205 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 66 đơn vị hành chính mới.

Tên gọi của 13 đơn vị hành chính cấp xã trung tâm mới lấy theo tên gọi của 13 huyện, thành, thị. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại ưu tiên lấy tên gọi của một trong số đơn vị hành chính cấp xã trước sáp nhập để làm tên gọi cho đơn vị hành chính cấp xã mới, phù hợp với văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tại hội nghị, 100% đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua 2 đề án trên.

Ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương đúng. Tuy khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn, song việc xây dựng các đề án được thực hiện theo đúng tinh thần các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Người dân về Đền Hùng dự ngày Giỗ Tổ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban Nhân dân cần lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định. Các đơn vị rà soát tổng thể các trụ sở, cơ sở vật chất của các cơ quan hành chính các cấp để có phương án xử lý, bố trí phù hợp, không để lãng phí.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ phối hợp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình xây dựng phương án nhân sự; phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thành, thị xây dựng phương án nhân sự chủ chốt cấp xã sau khi thành lập xã mới đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Bình Định: Thận trọng và trách nhiệm

Ngày 21/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (bất thường) cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính. 46/46 đại biểu đã thống nhất với Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và Bình Định; Đề án sắp xếp đơn vị cấp xã của tỉnh Bình Định.

Theo đề án, Bình Định sẽ sáp nhập với Gia Lai và lấy tên tỉnh mới là Gia Lai. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định hiện nay.

Một góc trung tâm thành phố Quy Nhơn. (Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN)

Sau sắp xếp, toàn tỉnh sẽ còn 58 đơn vị hành chính (41 xã; 17 phường); giảm 97 đơn vị hành chính (74 xã; 11 phường; 12 thị trấn).

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị các sở, ban, ngành và thành phố Quy Nhơn thống kê lại cơ sở hạ tầng; đồng thời xây dựng kế hoạch để đảm bảo chỗ làm việc, nơi công tác cho cán bộ sau khi sáp nhập, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch đi lại cho cán bộ công tác xa nhà.

Đối với phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu tỉnh Bình Định giao việc đặt tên xã cho chính quyền địa phương cấp huyện; lãnh đạo chính quyền địa phương có toàn quyền quyết định.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc, thận trọng việc đặt tên gọi và xác định trung tâm hành chính của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đảm bảo hài hòa, hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại, giải quyết các thủ tục hành chính của người dân.

Trước đó, trong hai ngày (19-20/4), tỉnh Bình Định đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp 58 đơn vị hành chính và việc sáp nhập tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định thành tỉnh Gia Lai mới. Kết quả, hơn 98% cử tri đồng ý và 1% cử tri không đồng ý với lý do muốn lấy tên của tỉnh mới là tỉnh Bình Định.

Quảng Trị: Triển khai đồng bộ

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) Lê Đức Thịnh cho biết, 5 xã mới của huyện hình thành sau sáp nhập sẽ được đổi tên thành: Diên Sanh, Hải Lăng, Vĩnh Định, Mỹ Thủy và Câu Nhi.

Cụ thể, xã Diên Sanh được hình thành từ việc sáp nhập xã Hải Trường, Hải Định và thị trấn Diên Sanh. Xã Hải Lăng là kết quả của việc hợp nhất các xã Hải Lâm, Hải Phú và Hải Thượng. Xã Vĩnh Định gồm các xã Hải Hưng, Hải Bình và Hải Quy. Xã Mỹ Thủy được tạo thành từ các xã Hải Dương, Hải An và Hải Khê. Xã Câu Nhi gồm xã Hải Phong, Hải Sơn và Hải Chánh.

Trước đó, các xã mới được dự kiến mang tên theo hướng địa lý như “Đông Hải Lăng”, “Tây Hải Lăng”, "Trung Hải Lăng." Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ cử tri và các tầng lớp nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định chọn những địa danh mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương.

Sông Thạch hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Mặc dù, các xã đã hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến lại để đảm bảo tính minh bạch, dân chủ và đồng thuận cao trong cộng đồng.

Quyết định điều chỉnh đặt tên gọi được huyện Hải Lăng thực hiện sau khi ghi nhận những đóng góp tích cực từ người dân, trí thức và các tổ chức chính trị - xã hội.Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Linh cũng công bố việc điều chỉnh tên cho 5 xã mới theo hướng thay đổi từ tên đánh số (Vĩnh Linh 1 đến 5) sang tên chữ mang đậm ý nghĩa lịch sử-văn hóa.

Các tên gọi mới được đưa ra lấy ý kiến bao gồm: Vĩnh Linh, Vĩnh Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Đức hoặc Vĩnh Thủy, và Vĩnh Quan hoặc Vĩnh Khê.

Những tên gọi này đã từng tồn tại trong lịch sử hoặc có sự gắn bó mật thiết với vùng đất "Lũy thép-Lũy hoa." Tên Vĩnh Linh sẽ được giữ lại cho đơn vị trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của huyện. Vĩnh Tùng là tên gọi của nhiều làng xã trước đây, còn Vĩnh Hoàng gợi nhớ đến truyền thuyết về trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng.

Để tôn trọng ý nguyện của cộng đồng, chính quyền đã đưa ra hai phương án lựa chọn tên cho các xã, như Vĩnh Đức hoặc Vĩnh Thủy, và Vĩnh Quan hoặc Vĩnh Khê.

Tại huyện Gio Linh, phương án đổi tên các xã cũng được triển khai đồng bộ. Cụ thể, xã Tây Gio Linh sẽ được đổi tên thành Cồn Tiên, xã Đông Gio Linh đổi tên thành Cửa Việt, xã Bắc Gio Linh thành Bến Hải và xã Gio Linh sẽ giữ nguyên tên cũ.

Trước đó, vào ngày 20/4, huyện Triệu Phong là địa phương tiên phong trong việc chuyển đổi tên gọi các xã từ đánh số sang tên truyền thống, với các tên gọi mới như: Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ, và Nam Cửa Việt.

Theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và thành lập trung tâm chính trị - hành chính mới, toàn tỉnh Quảng Trị sẽ giảm từ 119 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 36 xã/phường và 1 đặc khu (đảo Cồn Cỏ).

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, người dân tại các địa phương đều bày tỏ sự đồng thuận cao với việc thay đổi phương án đặt tên xã từ đánh số hoặc tên phương hướng sang các tên gọi truyền thống.

Việc điều chỉnh này không chỉ thể hiện sự tôn trọng lịch sử mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, tạo sự gần gũi, gắn bó của người dân với mảnh đất quê hương, nơi lưu giữ ký ức và niềm tự hào của bao thế hệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: www.baomoi.com