Ngày 21-4, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh với tỉ lệ đồng thuận gần 100%.
Trong hai ngày 19 và 20-4, tỉnh Bình Định đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp 58 đơn vị hành chính cấp xã và việc sáp nhập tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai.
Kết quả, có hơn 98% cử tri tham gia ý kiến đồng ý và 1% cử tri tham gia không đồng ý (phần lớn cử tri muốn lấy tên của tỉnh mới là tỉnh Bình Định).
Sở Nội vụ tỉnh Bình Định thông tin lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: LK
Nói về cách đặt tên các địa phương kèm số thứ tự, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, cho biết: Về cách đặt tên khi sáp nhập, tỉnh không áp từ trên xuống dưới mà do tự các địa phương đề xuất. Do đó, tên gọi các địa phương vẫn giữ nguyên phương án, trừ khi các địa phương có ý kiến thay đổi.
Cụ thể, các địa phương của tỉnh Bình Định thường đặt tên các đơn vị theo ưu tiên vị trí trung tâm (Ví dụ: Sau sắp xếp, phường trung tâm của TP Quy Nhơn sẽ có tên phường Quy Nhơn và các phường khác đặt tên theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, như: phường Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Tây, Quy Nhơn Đông).
Thứ hai là đặt tên theo địa danh, kèm thứ tự tùy địa phương lựa chọn (Ví dụ: Thị xã Hoài Nhơn, sau sắp xếp có 7 phường, có tên lần lượt là phường Hoài Nhơn 1 đến phường Hoài Nhơn 7).
Về phương án sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, thành lập tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh Gia Lai (diện tích 15.510 km2, dân số hơn 1,7 triệu người) và tỉnh Bình Định (diện tích 6.066 km2, dân số hơn 1,8 triệu người).
Tỉnh Gia Lai sau sáp nhập có diện tích 21.576 km2, dân số hơn 3,5 triệu với 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường). Trung tâm chính trị hành chính đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Về phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có của tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.
Sau đó thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công.chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo đảm, sau thời hạn theo yêu cầu của Trung ương (5 năm), số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có thực hiện theo biên chế được giao theo quy định hiện hành.
Như PLO đã đưa tin, phương án sắp xếp tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 41 xã, 17 phường), giảm 97 đơn vị. Đáng chú ý, có nhiều địa phương có tên giống nhau, kèm số thứ tự hoặc phương hướng.
Bản đồ hành chính tỉnh Bình Định sau sắp xếp.
Tại TP Quy Nhơn, dự kiến còn 5 phường và 1 xã. Đáng chú ý, phường trung tâm có tên Quy Nhơn; 4 phường khác lần lượt có tên Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Đông và Quy Nhơn Tây.
Tương tự, thị xã An Nhơn có các phường, gồm: phường An Nhơn và 4 phường khác là phường An Nhơn Nam, An Nhơn Bắc, An Nhơn Đông, An Nhơn Tây.
Thị xã Hoài Nhơn, có 7 phường, có tên từ phường Hoài Nhơn 1 đến phường Hoài Nhơn 7; huyện Phù Cát, có bảy xã từ xã Phù Cát 1 đến Phù Cát 7; huyện Phù Mỹ có 7 xã, lần lượt có tên xã Phù Mỹ 1 đến xã Phù Mỹ 7.
Huyện Tuy Phước còn bốn xã, lần lượt có tên xã Tuy Phước 1 đến xã Tuy Phước 4; huyện Tây Sơn có năm xã, gồm xã Tây Sơn và xã Tây Sơn 1 đến xã Tây Sơn 4; huyện Hoài Ân, gồm xã Hoài Ân 1 đến xã Hoài Ân 5; huyện Vĩnh Thạnh, gồm xã Vĩnh Thạnh 1 đến xã Vĩnh Thạnh 4; huyện Vân Canh có hai xã, Vân Canh 1 và Vân Canh 2.
Kon Tum đổi tên 3 phường, bỏ số thứ tự
Ngày 21-4, tỉnh Kon Tum đã thống nhất tên gọi 3 phường và 3 xã của TP Kon Tum sau sắp xếp. Phương án cũ, 3 phường của TP Kon Tum sau sắp xếp có tên, kèm số thứ tự là Kon Tum 1 đến Kon Tum 3.
Tên gọi 3 phường mới, như sau: phường Kon Tum (ban đầu có tên là Kon Tum 1, nhập các phường Quyết Thắng, Quang Trung, Thống Nhất, Thắng Lợi, Trường Chinh).
Phường Đắk Cấm (ban đầu có tên Kon Tum 2, nhập các phường Duy Tân, Ngô Mây, Đăk Cấm).
Phường Đăk Bla (ban đầu có tên Kon Tum 3, nhập các phường Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo).
3 xã mới là Ngọc Bay (nhập các xã Kroong, Ngọc Bay, Vinh Quang), xã Ia Chim (Đăk Năng, Ia Chim, Đoàn Kết) và xã Đăk Rơ Wa (Đăk Blà, Đăk Rơ Wa, Chư Hreng, Hòa Bình).
Tỉnh Kon Tum, sau sắp xếp sẽ còn 40 đơn vị hành chính cấp xã (gồm ba phường và 37 xã). Trước khi sắp xếp có 102 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 10 phường, bảy thị trấn và 85 xã).