Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự kiến hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
UBND tỉnh Bình Định đã ban hành bản tóm tắt nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định. Theo đó, việc sắp xếp 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, giúp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí quản lý nhà nước, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Gia Lai là tỉnh miền núi tại vùng Bắc Tây Nguyên, độ cao trung bình 700m - 800m, có vị trí chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng. Gia Lai đang tập trung xây dựng để trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tiên phong trong chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ.
Trong khi đó, Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung với đường bờ biển dài, là nơi giao thương kết nối với các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Bình Định có lợi thế về công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, hạ tầng giao thông và cảng biển quốc tế.
Tỉnh này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về kinh tế biển, là trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
Dự kiến, sau khi hợp nhất 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Gia Lai. Diện tích tỉnh Gia Lai mới là 21.576 km²; Quy mô dân số đạt 3,54 triệu người; có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định.
Bản tóm tắt nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định cũng nêu phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện việc sắp xếp.
Hiện nay, tỉnh Bình Định đã lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định. Dự kiến Ngày 26/4/2025, Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức phiên họp phiên thứ 2 để bàn kỹ đề án sắp xếp 2 tỉnh.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết, trong đề án thường có 2 phần: thực trạng đội ngũ công chức; phương án sắp xếp, trong đó bao nhiêu người còn tiếp tục công tác, bao nhiêu người nghỉ và lộ trình giải quyết trong 5 năm từ năm 2025 đến 2029 có bao nhiêu người sẽ nghỉ dần. Mặc dù trong các văn bản của Đảng đều cho phép giảm theo lộ trình, giữ nguyên số biên chế có mặt trong vòng 5 năm, nhưng mà nhiều người họ tự nguyện xin nghỉ, cộng với người nghỉ hưu đúng tuổi.