Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Gia Lai: Giao chỉ tiêu đến từng xã, xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể

Thứ năm - 03/07/2025 09:40
Sau ngày hợp nhất, tỉnh Gia Lai (mới) đã bắt tay ngay vào việc xác định rõ mục tiêu, giao chỉ tiêu, trách nhiệm và giải pháp cụ thể cho từng cấp, ngành, từng địa phương.

Tạo chuyển động mới sau hợp nhất hành chính

Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra ngày 3/7, lãnh đạo tỉnh đã phân giao chỉ tiêu cụ thể cho toàn bộ 58 xã, phường mới được sáp nhập.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng đã chỉ rõ những thách thức lớn mà tỉnh đang đối mặt, đặc biệt là giao thông liên kết vùng, hạ tầng thủy lợi, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin chưa đồng bộ.

Cùng với đó, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu các doanh nghiệp lớn, các dự án lớn có tính dẫn dắt.

Hệ thống quy hoạch chưa đồng bộ, tầm nhìn giải pháp chiến lược để khai thác tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển sau hợp nhất chưa được làm rõ.

Thêm vào đó là các yếu tố đặc thù như địa bàn rộng, dân số đông, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, đa tôn giáo; có biên giới, cửa khẩu vả đất liền và trên biển... tiềm ẩn và dễ nảy sinh những phức tạp về an ninh quốc phòng.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, sau sáp nhập, Gia Lai có tất cả các nguồn lực cần thiết cho địa phương phát triển thành tốp đầu của khu vực.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh có hệ thống kết nối đồng bộ, đa dạng. Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đã được Quốc hội thông qua, đường sắt tốc độ cao sẽ đi qua với hai nhà ga và Gia Lai là một trong ba tỉnh trên cả nước sở hữu lợi thế này.

Tỉnh có hai sân bay, trong đó sân bay Pleiku đã nâng cấp hoàn thiện, sân bay Phù Cát chuẩn bị khởi công đường cất/hạ cánh thứ hai, hướng đến trở thành sân bay quốc tế.

Hệ thống cảng biển cũng là điểm sáng - đặc biệt là cảng Quy Nhơn, một trong những cảng lớn nhất miền Trung, mỗi năm xuất khẩu 13-14 triệu tấn hàng hóa đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ….

Quang cảnh Hội nghị.

"Vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì, phải nỗ lực cùng cả nước phát triển, trở thành tỉnh mạnh…", Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Trước yêu cầu đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu tăng cường đoàn kết, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tổng thể mang tầm chiến lược, rà soát và ban hành đầy đủ quy chế làm việc của tỉnh; đẩy mạnh phân cấp và tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

Theo đó, trọng tâm là đảm bảo vận hành trơn tru các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 8%.

"Trước khi rời nhiệm sở phải giải quyết xong việc"

Để đạt mức tăng trưởng GRDP trên 8%, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nêu rõ tinh thần điều hành: Cả hệ thống chính trị phải đồng lòng, đoàn kết và quyết liệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đọa các địa phương trước khi rời nhiệm sở về nhà, phải giải quyết xong việc trong ngày.

Cả hệ thống chính quyền phải khẩn trương, quyết tâm làm việc hết sức. Trước mắt phải gỡ được các dự án tồn đọng; đồng thời xây dựng các dự án đột phá, trọng điểm để tạo động lực phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong giai đoạn này, cần làm việc khẩn trương, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Mọi công việc phát sinh trong ngày phải được giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng. Trước khi rời nhiệm sở, lãnh đạo các cấp phải hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, giải quyết đến nơi đến chốn, không làm cho có.

Tinh thần này được áp dụng thống nhất đến tận cấp xã, phường. Các Bí thư xã, phường phải tiếp dân, xử lý hồ sơ đúng hoặc nhanh hơn quy trình hiện hành.

Lãnh đạo các địa phương phải khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và đầu tư hạ tầng chiến lược.

Lãnh đạo tỉnh trao quyết định giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 cho 58 xã, phường thuộc địa bàn tỉnh Bình Định (cũ).

Để duy trì đà tăng trưởng, UBND tỉnh đã yêu cầu 58 xã, phường mới phải xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết, phân kỳ theo quý và tháng, gắn với từng chỉ tiêu cụ thể.

Các địa phương căn cứ vào dư địa và động lực phát triển riêng để hoàn thiện kế hoạch, tuyệt đối không thấp hơn chỉ tiêu tỉnh giao.

Trong 6 tháng cuối năm, ngoài việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh thì phải tạo được dư địa cho năm 2026 và cả nhiệm kỳ tới. Do đó, tỉnh không chỉ tháo gỡ các khó khăn mà phải triển khai rất nhiều việc mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Chính quyền tỉnh luôn có quan điểm phát triển Gia Lai đột phá nhanh, bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương".

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Gia Lai tăng 7,5% (trước hợp nhất, GRDP tỉnh Bình Định tăng 7,92% và tỉnh Gia Lai tăng 6,9%). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,4%; công nghiệp; xây dựng tăng 10,5%; dịch vụ tăng 7,6%; thuế sản phẩm tăng 3,1%.

Riêng về hoạt động sản xuất công nghiệp của hai tỉnh đều ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh Bình Định đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2025, trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 62 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 321 nghìn tỷ đồng.

Trong 6 tháng, địa bàn Bình Định ghi nhận kết quả thu ngân sách hơn 10.055 tỷ đồng, Gia Lai 3.601 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của hai tỉnh đều cao hơn trung bình chung của cả nước (bình quân cả nước 32,06%, tỉnh Bình Định đạt 57,7% và tỉnh Gia Lai đạt 33,9%).

Thu Loan

Nguồn tin: www.baomoi.com