Đột phá từ các dự án lớn
UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức hội nghị phân giao chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho 58 xã, phường mới trên địa bàn tỉnh Bình Định cũ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Gia Lai tăng 7,5%. Trong đó, GRDP tỉnh Bình Định cũ tăng 7,92%; GRDP) tỉnh Gia Lai cũ tăng 6,9%.
Tỉnh Bình Định cũ có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%; có 46 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 84,2%.
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định giao chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 cho 58 xã, phường mới trên địa bàn tỉnh Bình Định cũ.
6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Định cũ đã thu hút được 68 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 41 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD. Tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 700 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng
Tại tỉnh Gia Lai cũ có 3 khu công nghiệp đã thu hút được 99 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 4.500 tỷ đồng; có 14 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 82 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng
6 tháng đầu năm , tỉnh Gia Lai cũ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 49 dự án, với tổng vốn đăng ký là 4.930 tỷ đồng. Tỉnh có 570 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 5.026 tỷ đồng…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định cũ còn một số hạn chế như việc chuẩn bị thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh bị chậm tiến độ do một số vướng mắc liên quan quy hoạch khoáng sản, quy hoạch lâm nghiệp. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao; thiếu các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, trung tâm thương mại, mua sắm cao cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai cũ cũng gặp khó khăn như chậm trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2025. Cùng với đó là 5 dự án điện gió và Khu công nghiệp Nam Pleiku chậm được tháo gỡ vướng mắc để đi vào vận hành, phát huy hiệu quả; công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, nhất là thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh…
Theo UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng còn lại là nâng cao tỷ lệ lấp đầy trong các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện hữu, nhất là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định; triển khai đầu tư một số khu công nghiệp trọng điểm như Phù Mỹ, Hoài Mỹ, Cát Trinh, Bình Nghi, Nam Pleiku 2, Đak Đoa…
Tỉnh tập trung công tác giải phóng mặt bằng, sớm khởi công các dự án mới, có quy mô lớn, đột phá của cả 2 khu vực.
Trong đó, khu vực Bình Định gồm Dự án Xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát; Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Dự án Tuyến đường kết nối từ Cao tốc Bắc - Nam về Khu công nghiệp Phù Mỹ và Bến cảng Phù Mỹ; các dự án Khu đô thị, dịch vụ du lịch nổi trên đầm Đề Gi (các phân khu số 16.1, 16.2 và 16.3), Dự án Khu văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí kết hợp thương mại dịch vụ, du lịch tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát
Khu vực Gia Lai gồm các dự án như Khu công nghiệp Nam Pleiku; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Pleiku; khu đô thị CK 54, các dự án năng lượng tái tạo,…
Phép thử đối với lãnh đạo mới
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, đến giờ này việc sát nhập tỉnh, điều hành chính quyền 2 cấp được đánh giá là tốt, việc vận hành tương đối trơn tru.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, tới đây, Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa bàn sẽ là phép thử đầu tiên cho các cán bộ, lãnh đạo xã - phường mới.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng các dự án lớn sắp triển khai là phép thử đối với cán bộ mới được phân công, bổ nhiệm.
“Các lãnh đạo mà không hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho các dự án động lực này thì tự xin chuyển chỗ khác, đừng nói khó quá làm không được. Làm phải có sản phẩm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ngoài 2 dự án trên, một số dự án cũng thử thách cán bộ, lãnh đạo xã - phường mới được phân công, bổ nhiệm như Dự án Bến cảng Phù Mỹ; Dự án Đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng Hàng không Phù Cát.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá, mục tiêu tăng trưởng 8% là khả thi.
Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Định cũ, 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,92%, 6 tháng cuối năm đạt được trên 8% tương đối thuận lợi; trong khi đó, 6 tháng đầu năm của Gia Lai cũ là 6,9%, để đạt mục tiêu 8% khá khó khăn.
Ông Tuấn cho rằng đây là thách thức và chỉ ra nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và chia lửa, cùng trách nhiệm nếu không đồng lòng cao thì khó thành hiện thực.
Do vậy, Chủ tịch tỉnh Gia Lai yêu cầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũ phải gỡ tất cả dự án còn tồn đọng và trong tuần này tỉnh yêu cầu báo cáo sớm các dự án tồn động để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và triển khai.
“Tính khả thi để đạt mục tiêu tăng trưởng là 7,5%, còn 0,5% là nhờ vào đột phá, cách điều hành sáng tạo, sự thống nhất trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ để các vấn đề UBND tỉnh trình ra; các xã, phường trình lên giải quyết rất nhanh…”, ông Tuấn nói.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai yêu cầu các lãnh đạo UBND xã phường, tập trung trước mắt tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực; trong đó tập trung rà soát tất cả dự án đang vướng mắc. cụ thể trong 2 tuần tới phải có báo cáo.
“Nếu không làm được việc này thì đừng nói gì đến chuyện tăng trưởng 8%”, Chủ tịch tỉnh Gia Lai quyết liệt.
Theo ông Tuấn, đồng thời với đó, lãnh đạo xã phường phải làm việc với lãnh đạo sở, ngành phụ trách để chỉ ra các hướng đột phá mới, tạo dư địa phát triển trong thời gian tới.