Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Vận hành chính quyền tỉnh Gia Lai mới: Tạo bệ phóng cho giai đoạn phát triển toàn diện

Thứ tư - 02/07/2025 07:40
Tỉnh Gia Lai mới đã chính thức đi vào vận hành sau khi hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây không chỉ là sự kiện hành chính mang tính lịch sử mà còn là bước ngoặt chiến lược, mở ra giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn dài hạn, toàn diện và bền vững.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ là một bước đi hành chính, mà là bước khởi đầu cho một hành trình phát triển mới, nơi chính quyền gần dân hơn, hiệu quả hơn, và nhân dân được phục vụ tốt hơn.

Tái cấu trúc bộ máy, giải phóng nguồn lực

Trước khi sáp nhập, 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai có 38 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã. Nhiều đơn vị trong số đó chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định, dẫn đến sự phân tán nguồn lực, khó khăn trong quy hoạch tổng thể và đầu tư phát triển đồng bộ.

Vì thế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, là bệ phóng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một tỉnh mới hình thành nhưng đầy tiềm năng.

Sau khi sắp xếp, còn 135 xã, phường, giảm mạnh so với trước đây. Cùng với đó, các ban, sở, ngành cũng được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, tránh chồng chéo. Việc sáp nhập không chỉ dựa trên tiêu chí hành chính mà còn xem xét kỹ lưỡng các yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, quốc phòng-an ninh, tạo ra những đơn vị hành chính mới có không gian phát triển rộng mở và động lực tăng trưởng rõ ràng.

Quá trình này được triển khai một cách bài bản, công khai, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai mới đã ban hành các kế hoạch, đề án chi tiết, bảo đảm tính minh bạch, đồng thuận và hiệu quả trong từng bước thực hiện.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy là sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh , xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nơi người dân có thể tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, minh bạch và thuận tiện hơn bao giờ hết.

Tỉnh Gia Lai mới sẵn sàng cho một tương lai bứt phá.

Nguồn lực tiết kiệm được từ việc tinh gọn bộ máy và biên chế sẽ được ưu tiên đầu tư trở lại cho phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội. Đây là minh chứng rõ nét cho một chính quyền kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Đức, người dân phường Quy Nhơn chia sẻ: "Tôi mong chính quyền 2 cấp mới sẽ giúp rút gọn thủ tục hành chính. Thí dụ như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước đây phải lên thành phố, giờ có thể làm ngay tại trung tâm hành chính công. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian, vừa thuận tiện cho người dân".

Hướng đến chính quyền phục vụ, gần dân và hiệu quả

Mặc dù tạo ra những tác động to lớn về , song quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận xã hội sâu rộng. Việc tinh gọn bộ máy chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là sự thay đổi trong tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, những người trực tiếp vận hành bộ máy đó.

Tại lễ công bố các nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai mới sau sáp nhập nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, duyên hải nam Trung Bộ, là cửa ngõ kết nối cảng biển Quy Nhơn với cao nguyên Pleiku và cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

Ngoài ra, tỉnh mới cũng có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh khi có 2 sân bay, cảng biển và cửa khẩu quốc tế, có các trục giao thông xuyên vùng, xuyên quốc gia…

Đồng thời, 2 vùng đất này cũng có truyền thống lịch sử-văn hóa, cách mạng hào hùng, có nguồn nhân lực dồi dào, có nền tảng công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng. Tỉnh Gia Lai sau sáp nhập sẽ mở ra dư địa phát triển rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết nội tỉnh và liên kết vùng, từ đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và cả nước.

“Gia Lai mới không chỉ là sự hợp nhất về địa giới hành chính mà còn là sự kết tinh của 2 vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Đây là thời điểm để toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà cùng nhau hành động quyết liệt, đồng lòng vì một tương lai phát triển , hài hòa và hiện đại”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Bộ máy cơ sở được tổ chức lại linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với nhân dân.

Với đội ngũ cán bộ xã, phường vừa được trao trọng trách, với sự đồng hành của nhân dân và sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Gia Lai mới hoàn toàn có cơ sở để vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, một trung tâm liên kết vùng, cực tăng trưởng mới của đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định, thời gian tới, tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân lên trên hết.

Chúng tôi nguyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong hành động, sâu sát với thực tiễn cơ sở, lấy hiệu quả công việc và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo trong quản lý, điều hành. Từ đó, vận dụng và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai thành địa phương năng động, bản sắc, xanh-nhanh-bền vững trong kỷ nguyên mới.

“Chúng ta sẽ đưa Gia Lai mới bước vào giai đoạn phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, bền vững hơn, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

LƯƠNG TÙNG

Nguồn tin: www.baomoi.com