Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp địa giới, sáp nhập cấp xã cần tạo thuận lợi nhất cho người dân. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, cùng với các công việc thường xuyên, chúng ta đang cùng lúc khẩn trương triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay: Thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chuẩn bị, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời, ứng phó tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Các tỉnh Tây Nguyên khẩn trương hoàn thiện đề án sáp nhập
Tại Lâm Đồng, ngay sau khi Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành, ngày 13/4, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ trì, khẩn trương chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông tổ chức xây dựng Đề án sáp nhập từng sở, ban, ngành của 3 tỉnh; hoàn chỉnh đề án, gửi Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp trước ngày 22/4/2025.
Cũng với tinh thần khẩn trương, hôm nay (15/4), Ban Thường vụ Tỉnh ủy của hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ có cuộc họp tại trụ sở Huyện ủy Kon Plông, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) để triển khai việc sáp nhập tỉnh, hoàn thành hồ sơ trước ngày 1/5.
Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Phú Yên dự kiến họp tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 18/4 để trao đổi, thống nhất phương án sáp nhập hai địa phương. Cuộc họp sẽ có các nội dung như thành lập tổ liên tỉnh để phối hợp xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và lộ trình thực hiện; tổ chức bộ máy, nhân sự; sắp xếp trụ sở làm việc, bố trí nhà ở công vụ, chế độ hỗ trợ cho cán bộ, phương án đầu tư nâng cấp quốc lộ 29 nối hai tỉnh...
Mai Long
Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ, các cơ quan tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ cần thực hiện để sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo nhiệm vụ. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện các kế hoạch của Trung ương, của Chính phủ có hiệu quả và tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nếu vượt thẩm quyền. Các bộ trưởng, trưởng ngành bám sát tiến độ để chỉ đạo công việc, phân công với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền".
Về cơ sở pháp lý, Thủ tướng nêu rõ, đề xuất Quốc hội dùng một luật để sửa nhiều luật có liên quan, trong đó có nội dung về tổ chức chính quyền địa phương, thẩm quyền của cấp xã, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp địa giới, sáp nhập cấp xã cần tạo thuận lợi nhất cho người dân, như việc đi học của các cháu học sinh. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ động hướng dẫn, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương chuẩn bị sẵn sàng để 1/7/2025 vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp, sáp nhập. Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ sở vật chất, trụ sở các cơ quan sau khi sắp xếp, bảo đảm phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên sử dụng cho y tế, giáo dục và mục đích công cộng.
Công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm, hiệu quả phục vụ làm thước đo
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.
Liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, chủ trương bỏ cấp huyện, PLVN đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.
PV: Thưa ông, bỏ cấp huyện là một chủ trương lớn, chắc chắn sẽ có tác động toàn diện đến tổ chức bộ máy hành chính. Tỉnh Bình Định đã đánh giá như thế nào về những cơ hội và thách thức trong quá trình tái cơ cấu?
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn: Đây là bước ngoặt lớn về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Với Bình Định, chúng tôi xem đây là cơ hội để tổ chức lại hệ thống chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, loại bỏ các tầng nấc trung gian không còn phù hợp, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền phục vụ.
Thách thức chắc chắn là rất lớn. Bộ máy phải vận hành liên tục trong khi tái cơ cấu; cán bộ phải được sắp xếp ổn định; người dân cần có sự đồng thuận. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyên trách và 3 tổ công tác theo từng nhóm nhiệm vụ để đánh giá toàn diện các yếu tố: địa lý, dân cư, kết nối hạ tầng, quốc phòng - an ninh và tiềm năng phát triển đô thị. Nguyên tắc của tỉnh là công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm và lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo.
Ngọc Châu (thực hiện)