Phụ nữ huyện Vân Canh tham dự Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Nhiều mô hình hiệu quả
Bám sát chủ đề của đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ" năm 2024 là "Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em", Hội LHPN tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ, đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Nổi bật là việc tổ chức 11 lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, xây dựng gia đình có kiến thức, sức khỏe và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho 550 cán bộ Hội và các ban chủ nhiệm mô hình nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tháng tuổi.
Song song đó, trước những vấn đề nhạy cảm và cấp thiết của xã hội hiện đại, Hội LHPN tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức 12 lớp tập huấn về kiến thức an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng, thu hút 600 cán bộ Hội và hội viên tham gia. Đặc biệt, mô hình truyền thông sáng tạo như các cuộc thi Rung chuông vàng với chủ đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em được tổ chức tại 10 trường THCS trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng.
Truyền thông với hình thức Rung chuông vàng về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại 10 điểm trường THCS trên địa bàn tỉnh
Trong năm, Hội đã thành lập và ra mắt 2 mô hình hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội tại huyện Tuy Phước và Phù Cát, mỗi mô hình có 30 thành viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như: 290 mô hình về an toàn thực phẩm; 21 mô hình phòng chống bạo lực gia đình; 103 mô hình "Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền"; 40 mô hình tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội; 710 địa chỉ tin cậy tại 128/159 xã, phường, thị trấn.
Hội LHPN các cấp còn đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên. Trong năm 2024, đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 600 hội viên tại 6 huyện, thị xã, thành phố; đồng thời tổ chức 5 lớp chuyên đề về kỹ năng ứng dụng CNTT và an toàn trên mạng xã hội cho 288 cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.
Ngoài ra, công tác tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình cũng được quan tâm sát sao. Trong năm, Hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 13 trường hợp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới, tập trung vào nhóm yếu thế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh Bình Định vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai Đề án. Một số đơn vị địa phương chủ yếu thực hiện lồng ghép với các hoạt động Hội và nhiệm vụ chuyên môn khác do chưa được bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tổ chức và chất lượng các hoạt động chuyên sâu.
Ra mắt mô hình và truyền thông Phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới tại xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn, Bình Định)
Đáng chú ý, tình hình các vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, ly hôn, xâm hại trẻ em, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, tín dụng đen… trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em — nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.
Ngoài ra, việc thành lập mới và duy trì hoạt động của một số câu lạc bộ, mô hình trong khuôn khổ Đề án chưa thật sự hiệu quả, còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của số đông hội viên, phụ nữ tại các địa phương.
Nhằm khắc phục những khó khăn và phát huy kết quả đạt được, năm 2025, Hội LHPN các cấp trong tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt. Các hoạt động truyền thông sẽ được đổi mới về hình thức với việc thiết kế infographic, tờ rơi và tăng cường khai thác các nền tảng mạng xã hội.
Nội dung tuyên truyền sẽ lồng ghép các chủ đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống mua bán người… vào các buổi sinh hoạt, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng, phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội; tăng cường nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để nâng cao hiệu quả công tác. Các mô hình sẵn có cũng sẽ được tiếp tục phát huy và nhân rộng, tập trung vào bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại và bị mua bán trở về.